Suy giãn tĩnh mạch: Triệu chứng và biện pháp điều trị
Suy giãn tĩnh mạch là một bệnh khá phổ biến, đặc biệt ở nữ giới và người lớn tuổi. Thông thường, bệnh không gây nguy hiểm nhưng đôi khi có thể có biến chứng như xuất hiện cục máu đông, chảy máu, loét da… Đặc biệt, nếu cục máu đông vỡ ra có thể đe dọa đến tính mạng. Để hiểu rõ hơn về triệu chứng cũng như biện pháp điều trị bệnh này, mời bạn xem bài viết sau đây dưới sự hỗ trợ chuyên môn của Bác sĩ Lê Khánh Trang – Chuyên khoa Tim Mạch của Jio Health.
Suy giãn tĩnh mạch là bệnh gì?
Giãn tĩnh mạch là những tĩnh mạch bị xoắn, phình to. Bất kỳ tĩnh mạch nông nào cũng có thể bị biến dạng, nhưng các tĩnh mạch thường bị ảnh hưởng nhất là ở chân. Đó là vì đứng và đi thẳng làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch của phần dưới cơ thể.
Suy tĩnh mạch mạn tính thường được sử dụng để mô tả những bệnh nhân mắc bệnh tĩnh mạch mạn tính có các dấu hiệu lâm sàng nặng hơn như phù nề, thay đổi màu sắc da hoặc loét.
Bình thường, các tĩnh mạch ở chân đưa máu từ chân trở về tim. Các tĩnh mạch có van bên trong chúng để giúp máu chỉ di chuyển theo một hướng (về phía tim). Các van mở ra để máu chảy về tim và đóng lại để ngăn máu chảy ngược xuống chân. Bệnh tĩnh mạch có thể xảy ra khi các van bị hư hỏng hoặc hoạt động không tốt. Điều này làm cho máu tụ ở chân khi ngồi hoặc đứng trong thời gian dài dù không đi bộ.